CÁC PHƯƠNG PHÁP PHÒNG CHỐNG CÔN TRÙNG
Các biện pháp phòng chống côn trùng truyền bệnh
1. Nguyên tắc chung
– Phòng chống trên quy mô rộng lớn nhưng có trọng tâm trọng điểm. Hầu hết các bệnh do các côn trùng truyền là bệnh xã hội, phổ biến, nhiều người mắc, dễ lây lan. Bệnh do các côn trùng truyền có hại nhiều đến sức khoẻ, đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của loài người. Phòng chống dựa trên sự lựa chọn vùng dịch bệnh đang tăng cao, mật độ côn trùng truyền bệnh cao cùng kết hợp với cân nhắc khả năng khống chế được bệnh với điều kiện vật chất kỹ thuật có thể có được.
– Phải có kế hoạch phòng chống trong thời gian lâu dài, liên tục, dựa vào kế hoạch hành chính của chính quyền từ Trung ương đến cơ sở, vì các bệnh do côn trùng truyền thường kéo dài, tái nhiễm liên tiếp.
– Phòng chống côn trùng truyền bệnh phải là công tác của quần chúng, xã hội hoá công việc phòng chống, lôi cuốn cộng đồng tự giác tham gia. Vì mức độ phổ biến của côn trùng truyền bệnh liên quan đến hàng triệu người nên mọi người phải hiểu biết chúng để tự giác tham gia. Người làm công tác chuyên môn phải biết tuyên truyền giáo dục, vận động, giúp cho mọi người dân hiểu biết, tự nguyện phòng chống côn trùng truyền bệnh.
– Kết hợp nhiều biện pháp với nhau, từ thô sơ đến hiện đại, kết hợp các biện pháp cơ – lý – hóa – sinh học để phòng chống côn trùng truyền bệnh.
Lồng ghép việc phòng chống côn trùng truyền bệnh với các hoạt động/các chương trình, các dịch vụ y tế, sức khoẻ khác.
2. Biện pháp chung
– Biện pháp cơ học – lý học: phá bỏ những ổ côn trùng truyền bệnh, thay đổi môi trường làm mất nơi trú ẩn hoặc nơi sinh đẻ của chúng. Đối với côn trùng truyền bệnh trưởng thành có thể bắt, đập, bẫy, quạt, hun khói, xua đuổi cách ly không cho tiếp xúc với người… Biện pháp này đơn giản dễ làm, nhưng muốn đạt hiệu quả cao mọi người đều phải tham gia, tốn nhiều công sức.
– Biện pháp hoá học: dùng các hoá chất độc để diệt côn trùng truyền bệnh. Cần lựa chọn hoá chất, lựa chọn cách thức sử dụng, không tạo điều kiện để côn trùng truyền bệnh kháng thuốc, không gây ô nhiễm môi trường.
– Biện pháp sinh học: sử dụng kẻ thù tự nhiên của côn trùng truyền bệnh để diệt chúng, hoặc làm giảm mật độ côn trùng truyền bệnh gây hại. Ví dụ dùng cá ăn bọ gậy…. Hoặc dùng phương pháp tiệt sinh: sử dụng những kỹ thuật làm giảm sức sinh sản của côn trùng truyền bệnh hay làm biến đổi cấu trúc di truyền của côn trùng truyền bệnh. Phương pháp này có thể diệt được côn trùng truyền bệnh mà không gây độc cho người và môi trường.
3. Biện pháp cụ thể
– Do có nhiều loại côn trùng truyền bệnh nên không thể cùng một lúc tiến hành phòng chống mọi loại côn trùng truyền bệnh. Phải căn cứ theo yêu cầu, khả năng thực hiện để xây dựng kế hoạch phòng chống côn trùng truyền bệnh có trọng tâm trọng điểm. Với từng loại côn trùng truyền bệnh, căn cứ theo sinh thái mà áp dụng các biện pháp khác nhau để phòng chống một cách toàn diện.
3.1. Biện pháp cơ học – lý học
– Bắt và diệt các côn trùng trung gian truyền bệnh, thay đổi môi trường, cải tạo môi trường làm phá vỡ, hạn chế điều kiện phát triển, bất lợi cho loài côn trùng truyền bệnh, phương pháp này không gây ô nhiễm môi trường.
– Phá bỏ những ổ côn trùng truyền bệnh, thay đổi môi trường làm mất nơi ẩn, nơi sinh đẻ của chúng, khơi thông cống rãnh, phát quang bụi rậm, phá nơi sinh sản cư trú của côn trùng truyền bệnh.
Chuyển dịch hoặc bỏ nơi sinh sản của một số côn trùng truyền bệnh bằng cách: huỷ bỏ những dụng cụ chứa nước không cần thiết như chai lọ, lốp xe hỏng, lon hộp…
– Lấp đầy những nơi sinh sản của muỗi bằng đất, đá, gạch vụn, tro hoặc rác là phương pháp lâu dài có thể thực hiện được. Phương pháp này thích hợp nhất để giảm sinh sản của một số côn trùng truyền bệnh ở hố đất, nước, ao hoặc rãnh. Nếu dùng cần phải phủ đất lên trên để tránh côn trùng không đẻ trứng vào đó.
– Thoát nước có thể thực hiện được bằng cách tạo các rãnh lộ thiên và xây kè có cổng thuỷ triều, thoát nước ngầm và bơm nước. Thoát nước hợp lý sẽ làm giảm đuợc sinh sản của muỗi. Những mương lộ thiên phải nắn dòng để đưa nước tới những nơi phù hợp và ở tầng thấp hơn như; sông, ao, hố thấm nước hoặc mương thoát nước chính, mương càng thẳng càng tốt, độ dốc cho nước chảy nên ở khoảng 5 – 10 cm. Thoát nước ngầm tuy đắt hơn nhưng có tiện lợi là hệ thống này không bị cây cỏ bịt lại hoặc cát bụi rác rưởi làm tắc.
– Ngoài ra, bảo vệ cơ thể khỏi bị côn trùng đốt bằng cách dùng các phương pháp cơ học – vật lý như: nằm màn, mặc quần áo bảo hộ, quần áo, mũ trùm đầu có tẩm thuốc xua, diệt, dùng màn che chắn cửa sổ, cửa ra vào nhà ở, lều trại, dùng vỉ diệt côn trùng, dùng đèn bẫy côn trùng, vợt điện….
– Đối với côn trùng truyền bệnh trưởng thành có thể bắt, đập, bẫy, hun khói, xua đuổi cách ly không cho tiếp xúc với người, biện pháp này đơn giản dễ làm, nhưng muốn đạt hiệu quả cao mọi người đều phải tham gia, tốn nhiều công sức.
3.2. Biện pháp hoá học
– Nguyên lý của biện pháp này là dùng các hoá chất độc để diệt côn trùng truyền bệnh khi chúng tiếp xúc hoặc ăn phải hoá chất, hoặc dùng những chất có mùi đặc biệt làm cho côn trùng sợ không dám tấn công vào vật chủ.
– Cần lựa chọn hoá chất, lựa chọn cách sử dụng, không tạo điều kiện để côn trùng truyền bệnh kháng thuốc, không gây ô nhiễm môi trường. Phương pháp này có tác dụng nhanh, trên phạm vi rộng. Thường sử dụng các nhóm thuốc sau:
*** Nhóm thuốc xua:
– Dùng những hoá chất có mùi đặc biệt để xoa lên những chỗ da hở, hoặc tẩm vào màn, lưới, quần áo… Làm cho côn trùng sợ phải bỏ đi.
– Có nhiều thuốc xua côn trùng có tác dụng tốt như tinh dầu xả, DEP (diethyl phtalat), DMP (dimethyl phtalat)…
– Thời gian bảo vệ của hoá chất xua xoa trên da là từ 15 phút đến 10 tiếng đồng hồ; trên quần áo, vải vóc có thể lâu hơn nhiều.
– Hiệu quả và thời gian bảo vệ tùy thuộc vào hoạt chất, dạng pha chế, cách sử dụng của từng loại hoá chất xua, các điều kiện tại chỗ (nhiệt độ, độ ẩm, độ gió), sự thu hút của từng cá thể và mật độ của côn trùng truyền bệnh.
– Một vài trường hợp bị dị ứng bởi DEP nhất là đối với trẻ em vì vậy người ta khuyến cáo không nên bôi DEP lên da mà chỉ bôi lên quần áo của trẻ.
Nhóm thuốc diệt:
– Nhóm hoá chất vô cơ: Xanh Paris, acetoarseniat đồng…. Các hoá chất này thường được thả xuống nước để diệt ấu trùng côn trùng truyền bệnh trong nước.
– Nhóm hoá chất Clo hữu cơ: dichlorodiphenyltrichloroetan (DDT) hoặc hexachlorocychlohexan (HCH, 666), methoxychlor…. Các hoá chất này được sử dụng từ lâu, diệt côn trùng nhanh, tồn lưu lâu nhưng có nhược điểm gây độc cho người và động vật, làm ô nhiễm môi trường.
– Nhóm lân hữu cơ: malathion, fenthion, dichlorodivynilphosphat (DDVP)…. Các chất này có tác dụng diệt côn trùng truyền bệnh nhanh nên thường được sử dụng khi cần dập tắt nhanh các ổ dịch. Thuốc tồn lưu ngắn (thường từ 15 ngày tới 3 tháng), rất độc đối với người và động vật nên khi sử dụng cần đề phòng nhiễm độc.
– Nhóm carbamat: những chất kháng enzym cholinesteraza thường dùng để diệt bọ gậy tồn lưu lâu nhưng giá thành đắt nên ít được sử dụng.
– Nhóm pyrethroid: Pyrethroin tự nhiên là những chất chiết xuất từ hoa của cây thuộc họ cúc, giống Chrysanthemum cineraefolium. Pyrethrinoid tổng hợp: Permethrin, Deltamethrin, Lambdacyhalothrin (ICON), Trebon, Cyfluthrin … Các hoá chất thuộc nhóm này có tác dụng tốt diệt côn trùng truyền bệnh, ít độc với người, hệ số an toàn cao, ít gây ô nhiễm môi trường.
*** Cách sử dụng hoá chất: Tuỳ theo đặc tính lý, hoá và độ an toàn mà các hoá chất kể trên có thể được sử dụng dưới các dạng: phun tồn lưu, phun dưới dạng sương mù, dạng khói, tẩm màn hoặc quần áo. Dùng hoá chất dưới dạng nào cũng phải đảm bảo yêu cầu diệt được côn trùng truyền bệnh nhưng không gây độc cho người, động vật, không làm ô nhiễm môi trường.
– Để tránh hiện tượng côn trùng truyền bệnh kháng hóa chất cần sử dụng hoá chất đúng mục đích, đúng kỹ thuật không để dư thừa và có kiểm soát, cần thường xuyên theo dõi mức độ kháng kịp thời để thay đổi hoá chất hoặc phối hợp các biện pháp. Cách tăng liều hoá chất, rất ít sử dụng vì gây độc cho người và động vật.
3.3. Biện pháp sinh học
– Sử dụng kẻ thù tự nhiên của côn trùng truyền bệnh để diệt chúng, hoặc làm giảm mật độ côn trùng truyền bệnh gây hại. Thí dụ: dùng kiến để diệt rệp, dùng cá , Mesocyclops để ăn bọ gậy muỗi, ấu trùng muỗi Toxorhychites ăn ấu trùng muỗi khác…, hoặc dùng một số loại vi rút, vi khuẩn, nấm để diệt muỗi hoặc bọ gậy muỗi.
3.4. Biện pháp tiệt sinh
– Là phương pháp sử dụng những kỹ thuật làm giảm sức sinh sản của côn trùng gây hại hay làm biến đổi cấu trúc di truyền của côn trùng truyền bệnh. Có thể vô sinh con đực (bằng hoá chất hoặc tia x, γ hay β, vô sinh bằng phương pháp lai ghép tạo con lai F1 vô sinh) rồi thả vào thiên nhiên, những côn trùng đực vô sinh này có khả năng giao phối cạnh tranh với quần thể ngoài tự nhiên để sinh ra thế hệ lai không có khả năng sinh sản hoặc mất khả năng truyền bệnh. Phương pháp này có thể diệt được một loài côn trùng truyền bệnh, không gây độc cho người, không gây ô nhiễm môi trường, nhưng cần thời gian dài và thực hiện ở một khu biệt lập để côn trùng truyền bệnh ở khu vực xung quanh không di chuyển tới.
HÃY GỌI NGAY CHO CHÚNG TÔI:
Hotline: 0934.743.007 – 0987.715.777
E-mail: asiapestcontrol.dn@gmail.com